Thị trường tỷ đô
Ông Nguyễn Thể Hà - Viện trưởng Viện Công nghệ Bùi Văn Ngọ - cho biết, hiện nay khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần hàng chục ngàn thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, hàng ngàn dây chuyền sản xuất, chế biến nông sản, hàng hóa. Việc ứng dụng máy móc, cơ giới hóa vào sản xuất sẽ làm giảm công lao động, hạ giá thành sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 12% xuống còn 6%, giúp làm tăng giá trị nông sản hàng hóa sau chế biến, đem lại giá trị tăng thêm lên tới 100 tỷ đồng. Đây là thị trường lớn có giá trị dự kiến lên đến hàng tỷ USD mà ngành cơ khí TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL cần phải phát triển.
TS. Nguyễn Huy Bích - Trưởng khoa Cơ khí Trường đại học nông lâm TP. Hồ Chí Minh -cho rằng, đối với ngành cơ khí chế tạo máy, vấn đề chủ lực đầu tiên là nguồn vật liệu. Việt Nam có thể làm máy những người dân ít sử dụng, bởi vì vật liệu của chúng ta không bảo đảm. Bên cạnh đó, công nghiệp phụ trợ cho ngành cơ khí cũng còn rất lạc lõng, thiếu đồng bộ.Tuy nhiên, đến nay ngành cơ khí trong nước mới chỉ sản xuất được động cơ, máy kéo công suất đến 30 mã lực (HP) và đáp ứng được 32,6% thị trường; máy liên hợp gặt lúa chiếm 15% thị phần. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 7,8 ngàn doanh nghiệp cơ khí và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp. Đặc biệt, các cơ sở chế tạo máy này phần lớn là quy mô nhỏ, sản xuất chất lượng thấp, quy trình sản xuất khép kín, thiếu chuyên môn hóa, thiếu hợp tác liên kết trong tổ chức sản xuất. Điều này khiến cho việc phát triển công nghiệp cơ khí gặp nhiều khó khăn.
“Để phát triển ngành công nghiệp cơ khí thì công nghiệp phụ trợ và công nghiệp vật liệu là hai vấn đề mấu chốt cần giải quyết. Công nghiệp phụ trợ phải đi trước một bước để tạo tiền đề cho công nghiệp chế tạo máy nói chung và cơ giới hóa nói riêng’, ông Bích nêu quan điểm.
Theo NGND - TS. Phan Hiếu Hiền, việc phát triển công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp phải là chế tạo nội địa. Tại các nước phát triển như Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đều tự phát triển ngành công nghiệp chế tạo máy. Trên thực tế, các trường hợp thành công khác về cơ giới hóa nông nghiệp ở Việt Nam cũng xuất phát từ chế tạo nội địa.Công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp phải từ nội địa
Điển hình như trong lĩnh vực cơ khí xay sát lúa gạo, Công ty Bùi Văn Ngọ cùng với các doanh nghiệp khác đã cơ khí hóa 100% hoạt động xay xát, với toàn bộ dây chuyền các máy sản xuất trong nước. “Mặc dù vẫn nhập khẩu động cơ điện, bạc đạn nhưng rõ ràng đây là công nghiệp nội địa với khoảng 60% giá trị gia tăng từ nội địa. Đây là dẫn chứng xác thực nhất về chế tạo nội địa để cơ giới hóa 100%”, ông Hiển nhấn mạnh.
Chính vì thế Việt Nam cần tập trung phát triển ngành cơ khí nông nghiệp liên kết cơ khí TP. Hồ Chí Minh, cơ khí ĐBSCL theo chuỗi giá trị sản xuất nông sản hàng hóa. Để làm được thì Nhà nước cần sớm có chính sách “cởi trói” về nguồn vốn như: hồ sơ, thủ tục tiếp cận vốn ưu đãi dễ dàng hơn; lãi suất ưu đãi hấp dẫn hơn để thật sự khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia. Từ đó lựa chọn, thu hút được những doanh nghiệp đầu tàu, có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ đầu tư chuyên sâu cho ngành chế tạo máy móc, thiết bị nông nghiệp phát triển đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.
Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi, góp phần nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của nông sản, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. |