Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được nhận định có thể đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Theo tính toán của các chuyên gia, mặc dù dung lượng thị trường cho máy và thiết bị phục vụ ngành nông nghiệp chỉ khoảng 500 triệu USD/năm nhưng giá trị gia tăng cho các nông sản, thực phẩm do cơ giới hóa ngành có thể đạt 5 tỷ USD/năm.
Tiềm năng là thế, song đến nay, rất nhiều máy móc phục vụ nông nghiệp trong nước vẫn chưa thể sản xuất, phải nhập khẩu từ các nước khác.
*Gần 70% máy nhập khẩu
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam trung bình đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (4 HP/ha), Trung Quốc (8 HP/ha), Hàn Quốc (10 HP/ha).
Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp, phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hiện máy nông nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm gần 30% thị phần, 60% là máy nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại là Nhật Bản và Hàn Quốc. So sánh cùng chủng loại, máy sản xuất trong nước đắt hơn máy của Trung Quốc từ 15-20%. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc cơ giới hóa canh tác được thực hiện chủ yếu trong ngành trồng lúa, mía đường. Ngược lại, tỷ lệ này còn rất thấp với các cây trồng cạn khác ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên.
Ông Phan Tấn Bện, Giám đốc Công ty TNHH MTV cơ khí nông nghiệp Phan Tấn cho rằng, ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp Việt Nam đã quá lạc hậu và sắp đi vào ngõ cụt so với tốc độ phát triển của các nước trong khu vực. Nhờ vào chính sách của Nhà nước nên việc cơ giới hóa đang ngày càng được tăng lên ở mỗi khâu. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết những máy móc phục vụ cho việc cơ giới hóa là những loại máy ngoại nhập. Máy nông nghiệp sản xuất trong nước hầu như ngày càng vắng bóng trên thị trường và dần tự đánh mất vị thế.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do Việt Nam chưa phát triển được một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí nói chung và cơ khí nông nghiệp nói riêng dẫn đến tình trạng thiếu định hướng, thiếu tập trung trong phát triển ngành. Nguồn lực đầu tư cho cơ khí, luyện kim còn thấp so với những ngành kinh tế, công nghiệp khác dễn đến phần lớn máy móc lạc hậu, các thiết bị đều phải nhập từ bên ngoài không đồng bộ, thiếu nguồn nguyên liệu... Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước phải thường xuyên sản xuất trong tình trạng bị động, năng suất, chất lượng thấp, sản phẩm nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ông Phan Tấn Bện chỉ rõ, một sản phẩm hoàn chỉnh thì sẽ bao gồm nhiều chi tiết cấu thành. Tự mỗi bản thân công ty không thể nào sản xuất toàn bộ vì dàn trải và chi phí đầu tư rất lớn. Những chi tiết đòi hỏi cao về mặt kết cấu, nguyên vật liệu, đều phụ thuộc hoàn toàn vào hàng của Trung Quốc, thiếu ổn định. Vì vậy, khi sản xuất máy nông nghiệp trong nước không đủ độ bền, không ổn định sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của máy sản xuất trong nước. Còn nếu nhập hàng của Nhật Bản hay Hàn Quốc, giá rất cao làm tăng giá thành, sản phẩm làm ra không cạnh tranh về giá cả.
“Một nguyên nhân căn cơ nữa là đặc thù của ngành sản xuất máy nông nghiệp là vốn đầu tư lớn, trong khi lợi nhuận thấp lại bị cạnh tranh gay gắt từ nhiều dòng máy nhập khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nên ít ai chịu đầu tư”, ông Bện nói thêm.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cho rằng, dung lượng thị trường từng loại sản phẩm trong các ngành cơ khí còn nhỏ, chưa đảm bảo tính kinh tế trong việc đầu tư sản xuất, chẳng hạn như sản xuất, lắp ráp ô tô hay máy nông nghiệp, máy kéo.
Vốn đầu tư cho các dự án cơ khí rất lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam thường không đủ năng lực để đầu tư, trong khi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước rất hạn chế; cùng đó là công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng cho các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Các phân ngành cơ khí chế tạo cơ bản như tạo phôi, gia công áp lực, gia công chính xác, nhiệt luyện, xử lý bề mặt và sản xuất khuôn mẫu... rất kém phát triển.
*Doanh nghiệp cần cơ chế
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu máy kéo, máy nông nghiệp sẽ tăng thêm giai đoạn từ nay đến 2025. Cụ thể, máy cấy lúa sẽ tăng nhanh bình quân từ 500 - 1.000 chiếc/năm (loại máy cấy 6-8 hàng) đồng bộ với công nghệ sản xuất mạ khay; máy thu hoạch lúa liên hợp (có bề rộng làm việc 1.8-2m) tăng từ 2.000 - 3.000 chiếc/năm, chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Trung bộ và những tỉnh sản xuất lúa tập trung.
Các loại máy thu hoạch mía, cà phê, ngô, đậu, lạc có nhu cầu tăng 3-5 lần so với hiện nay. Các loại máy móc, thiết bị xử lý chất thải trong chăn nuôi ngày càng tăng nhanh.
Ông Nguyễn Thể Hà, Viện trưởng Viện Công nghệ Bùi Văn Ngọ cho rằng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần hàng chục nghìn thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, hàng nghìn dây chuyền sản xuất, chế biến nông sản, hàng hóa. Đây là thị trường lớn có giá trị dự kiến lên đến hàng tỷ USD mà ngành cơ khí Tp. Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phải phát triển.
Theo ông Phan Tấn Bện, Giám đốc Công ty TNHH MTV cơ khí nông nghiệp Phan Tấn, để vực dậy ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, các bộ, ngành có liên quan. Trước mắt, cần tập trung đẩy mạnh nguồn vốn, nguồn nhân lực vào các nhà sản xuất nhỏ có năng lực phát triển, bởi vì chính các nhà sản xuất nhỏ này mới thấu hiểu hết những khó khăn cùng những trăn trở mà ngành cơ khí chế tạo máy đang gặp phải.
Trong suốt quá trình vật lộn để tìm chỗ đứng với các dòng máy nhập khẩu hiện đại, một số nhà sản xuất nhỏ này đã xác định được năng lực cạnh tranh và tìm cho mình những sản phẩm phù hợp để tồn tại và phát triển. Và rõ ràng, họ đã có những sản phẩm cho riêng mình và đạt được những thành công nhất định.
Ông Vũ Hữu Lê, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí và xây lắp Hồng Hà (tỉnh Yên Bái) cho rằng, Chính phủ nên có chỉ đạo cho các bộ, viện, tỉnh, có các dự án và đề tài phát triển máy móc, các công cụ cải tiến cơ khí phục vụ cho nền kinh tế nói chung và các tỉnh miền núi nói riêng. Ví dụ, Yên Bái có rất nhiều quế thì đề ra chỉ tiêu năm nào hoàn thành các hệ thống sấy quế, băm cành quế...
Ngoài ra, vì là các doanh nghiệp nhỏ, còn yếu nên rất cần Chính phủ có chính sách ưu đãi vay vốn, về mặt bằng, về thuế cho các xưởng, công ty cơ khí để chế tạo ra các máy móc phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo Bộ Công Thương, các chính sách phát triển cơ khí nông nghiệp cần tập trung hoàn thiện các quy định về đất đai nhằm hình thành cơ chế khuyến khích tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu số lượng, chất lượng cho các nhà máy chế biến và tạo thị trường cho việc áp dụng cơ giới hóa ngành nông nghiệp.
Về các cơ chế hỗ trợ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất Chính phủ thiết lập “Gói tín dụng ưu đãi đặc biệt” để thực hiện hỗ trợ tài chính, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp và kích cầu đầu tư chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp./.
Nguồn: bnews.vn